Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Ôm nợ với du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng (homestay) được xem là mô hình mới để phát triển kinh tế gia đình ở địa bàn vùng sâu Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai). Thế nhưng, sau hai năm đầu tư hoạt động, những hộ gia đình tham gia thí điểm đã ôm nợ vì không có khách.

 

 

Gia đình ông Nguyễn Xuân Hanh sau khi đầu tư gần 70 triệu đồng giờ chỉ lo làm kiếm từng đồng trả nợ - Ảnh: Ngọc Hậu

Với lợi thế gia đình trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông Nguyễn Xuân Hanh (ấp 4, xã Đắc Lua), thông qua sự giới thiệu của UBND xã Đắc Lua, đã được Công ty TNHH Việt Sáng Tạo (Inno Viet) tham gia triển khai thí điểm dự án du lịch homestay.

Theo hợp đồng ký kết giữa ông Hanh và Inno Viet, khi du khách nước ngoài đến tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên có nhu cầu nghỉ dưỡng ở nhà dân, tham quan học hỏi cách làm vườn, trồng dâu nuôi tằm, đạp xe tham quan trong xã..., công ty này sẽ đưa khách đến ở. Để tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm, gia đình ông còn được dự án mời đi tham quan học hỏi mô hình homestay rất thành công ở huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án du lịch cộng đồng, gia đình ông Hanh phải đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho khách du lịch như: giường tủ, chăn ra gối nệm, máy nước nóng lạnh, nhà vệ sinh, bếp ăn... Theo lời ông Hanh, ngoài 16 triệu đồng được công ty hỗ trợ ban đầu, gia đình ông phải chạy vạy vay mượn bên ngoài khoảng 70 triệu đồng để nâng cấp nhà cửa, trang bị giường, nệm, nhà vệ sinh, nhà bếp.

“Khi đi vào hoạt động, phía bên dự án cho biết nếu mô hình hiệu quả sẽ phát triển kinh tế rất mạnh nên gia đình rất phấn khởi, ai dè ôm nợ” - ông Hanh rầu rĩ. Ông Hanh cho biết trong một năm thực hiện hợp đồng, gia đình ông chỉ đón được... bốn lượt khách, số tiền thu được không bao nhiêu, còn nợ đến nay vẫn chưa trả hết. Tuy nhiên, do hợp đồng đã hết hạn (tháng 4-2013), công ty cũng lặn mất tăm.

Tương tự, sau khi ký hợp đồng tham gia dự án, gia đình ông Nguyễn Thái Hòa (ấp 12, xã Đắc Lua) cũng đầu tư gần 100 triệu đồng để nâng cấp phòng ốc, nhà cửa đón khách. Dẫn chúng tôi đi xem khu vực phòng ngủ được đầu tư với số tiền lớn, ông Hòa cho biết từ lâu căn phòng này không sử dụng vì không hề có khách. Những tấm nệm được phủ nilông, chăn ra được gia đình ông Hòa cất kín trong tủ.

Theo các hộ dân tham gia dự án này, sau khi hết hợp đồng, liên hệ với công ty chỉ nhận được trả lời do không có khách nên không tiếp tục. “Tiền vay đầu tư vẫn còn nợ, hợp đồng đã hết hạn, gia đình chúng tôi chẳng biết đào đầu ra tiền để bù đắp. Trong khi đó, sau khi hết hạn hợp đồng, chẳng thấy phía công ty hay dự án đoái hoài đến gia đình chúng tôi” - ông Hòa nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Nhì, phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua, cho biết vào năm 2011 Công ty Inno Viet có liên hệ với UBND xã đề nghị hỗ trợ phối hợp triển khai mô hình homestay tại địa phương. Do thấy đây là cơ hội để người dân nâng cao thu nhập nên xã tích cực hỗ trợ. Tuy nhiên, dự án triển khai thí điểm tại một số hộ gia đình đã không đạt hiệu quả như mong đợi, người dân đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng để đó cả năm qua.

“Hiện hợp đồng của người dân với Công ty Inno Viet đã hết và đến nay cũng chưa thấy công ty này liên hệ lại. Sắp tới, chúng tôi liên hệ với Vườn quốc gia Cát Tiên để tiếp tục thực hiện mô hình homestay đưa du khách thưởng thức không khí đồng quê và khung cảnh gia đình mộc mạc của làng quê Đắc Lua” - ông Nhì nói.

* Ông Hoàng Hữu Lộc (chủ tịch thành viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist):

Homestay kén khách

Công ty chúng tôi cũng có sản phẩm homestay và luôn giới thiệu trong các catalogue, ấn phẩm cho đối tác nước ngoài nhưng khách chưa mặn mà với loại hình này. Homestay khá kén khách, đó là những khách không đặt nặng chuyện nghỉ ở phòng có nhiều tiện nghi vì điều kiện cơ sở vật chất homestay chỉ ở mức tối thiểu, trẻ tuổi, chịu kiểu du lịch “bụi bặm” pha chút phiêu lưu, mạo hiểm, thích cuộc sống đặc trưng vùng quê... Chính vì không thu hút khách du lịch đại trà nên không phải đối tượng nào cũng phù hợp.

* Bà Bùi Viết Thủy Tiên (giám đốc Công ty du lịch Asian Trails):

Chất lượng phòng nghỉ thấp

Khách của chúng tôi cũng hỏi loại hình tour này nhiều nhưng khi đến homestay rồi thì thất vọng. Ở ĐBSCL, homestay còn phải cạnh tranh với các khách sạn được trang trí, bày biện khá chân quê, gần gũi... Khách ở khách sạn kiểu này cũng tận hưởng được không khí nhà quê đặc trưng của ĐBSCL nhưng đảm bảo tiêu chuẩn tiện nghi của khách sạn. Còn homestay phần lớn tiêu chuẩn phòng nghỉ thấp, không vệ sinh nên khách không quan tâm nhiều. Khi chúng tôi giới thiệu các loại homestay cho đối tác họ cũng có phần e ngại.

Ở Hội An hay khu vực phía Bắc, các homestay biết cách quảng bá trực tuyến nên khách đến đông, chi trả nhiều và ngược lại họ có khả năng tái đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, tại làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), homestay có phòng nghỉ rất đẹp, tương đương chuẩn khách sạn 3-4 sao, nhưng không bán riêng lẻ mà lồng ghép trong cả chương trình tour. Khách sẽ được ở homestay 1-2 ngày để đi xe đạp, làm việc với người dân trong vườn, nấu ăn trong bếp... trong cả tour dài trọn gói.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét