Sự kết hợp giữa hoang sơ và bàn tay con người tạo nên sức hấp dẫn của đảo Phú Quốc.
Từ lan can khách sạn ở Phú Quốc, tôi thấy biển Phú Quốc trải rộng với những con sóng bạc đầu ào ạt xô bờ. Lúc đó biển cả như một dã nhân đầu người mình ngựa ưỡn ngực, giương cung, phóng những mũi tên bạc là những con sóng vào bờ.
Mưa lúc nhỏ lúc to, như một tấm khăn voan đưa đẩy theo chiều gió. Một nhà văn nổi tiếng người Anh không ngoa khi nói rằng, những giọt nước mắt của phụ nữ cũng giống như một cơn mưa bất chợt trên hòn đảo bình yên, tuyệt đẹp này.
Trước đó, khi từ Rạch Giá đi tàu cánh ngầm sang Phú Quốc, chúng tôi cũng chịu những rung lắc tương đối mạnh giữa biển khơi mênh mông và những con sóng cao gần hai mét. Một số phụ nữ trên tàu mệt lả khi cặp cảng, riêng hai người bạn gái của tôi và anh bạn phóng viên Báo Thanh niên cứ tỉnh queo như không có chuyện gì xảy ra.
Nhận phòng khách sạn ở Phú Quốc, tắm rửa nghỉ ngơi một lát, chúng tôi nhờ nhân viên khách sạn Sài Gòn (Phú Quốc) thuê cho hai chiếc môtô Honda rồi bắt đầu hành trình khám phá đảo.
Chặng dừng chân đầu tiên của chúng tôi vào khoảng 2 giờ chiều là trang trại nuôi cấy ngọc trai ở Phú Quốc của một anh chàng người Australia. Mưa lúc này đã ngớt, bầu trời xanh trong và mặt biển tuy chưa lặng sóng hẳn, nhưng cũng dần trở nên hiền hòa, êm ái, vươn những cánh tay dài ôm ấp bờ cát trắng phau.
Cách bờ chừng 400-500 mét là bè nuôi trai lấy ngọc. Tôi tranh thủ bấm vài kiểu ảnh trước khi cùng hai người đẹp và anh bạn phóng viên tha thẩn ngắm các tủ kính trưng bày ngọc trai.
Đã từng tham quan nhiều quốc gia trên thế giới, tôi biết rằng, ngọc trai của Nhật Bản và Tahiti đẹp và quý nhất, nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên trước kích cỡ và màu sắc huyền ảo, long lanh của các viên ngọc trai nuôi ở trang trại này.
Rời trang trại nuôi trai lấy ngọc, chúng tôi ghé thăm trang trại và vườn trồng sim của “đại gia” rượu sim và rượu mỏ quạ trên đảo, anh Trịnh Công Phát.
Tôi rất ấn tượng với dãy chum sành lớn anh Phát dùng để ủ rượu sim. Nghe đâu anh đang có một dự án sử dụng 1.500 ha đất trên đảo đề trồng sim làm rượu.
Dinh Cậu
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Dinh Cậu, một ngôi đền nhỏ của ngư dân đảo Phú Quốc thờ Cá Ông. Sau khi chụp vài kiều ảnh, chúng tôi lại lên xe đi thăm Bãi Dài, dừng xe xuống tắm biển và quay lưới bắt cá chỉ xanh với một nhóm thanh niên địa phương.
Chỉ với vài vuông lưới, chúng tôi bắt được một số lượng cá không nhỏ. Nhóm thanh niên đi kiếm củi và lá dừa khô, rồi chúng tôi đốt lửa nướng cá ngay trên bãi cát.
Trong đời, tôi đã từng tới nhiều bãi biển trên thế giới, nhưng phải thừa nhận rằng, cát ở Bãi Dài trắng phau như pha lê và vụng biển thì nhiều cá tôm vô kể.
Tối đó, một nhóm các người bạn làm quản lý, nhân viên của các khách sạn tại Phú Quốc mời chúng tôi nhậu ở Khu nghỉ dưỡng Thiên Hải Sơn Phú Quốc, nằm sát ngay bên cạnh Resort Sài Gòn (Phú Quốc). Trong khi mấy nhân viên phục vụ chuẩn bị rượu và đồ nhắm, chúng tôi ngồi tán gẫu trong chòi Bar lợp lá dừa ngay sát mép nước.
Gió và gió lồng lộng, đẩy những cánh cửa gỗ dán của dãy nhà tạm ven biển đập ra đập vào kêu kẽo kẹt. Những tàu lá dừa xơ xác bị gió quật tả tơi.
Trên bức tường gỗ dán của quầy bar, một con cá ngừ lớn cũng bằng gỗ dán nằm bên cạnh một chiếc mỏ neo bằng inox phủ đầy bụi. Trên giá gỗ, nằm chỏng chơ vài chai rượu rhum, whisky, vodka lẫn với rượu dân tộc: mỏ quạ, rượu sim, rượu cá ngựa…
Đồ nhậu tương đối đơn giản: có salat rau đắng với cá khô nướng xé nhỏ, mực một nắng hấp gừng, tôm hấp và cháo cá rau đắng. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi có một bữa ăn ngon như vậy, có lẽ do biển xanh, cát trắng và tình bạn hữu.
Sáng hôm sau, rời Phú Quốc về TP. Hồ Chí Minh, hai người phụ nữ trong nhóm chúng tôi cứ bịn rịn như chẳng muốn rời Đảo Ngọc. Chiếc ATR 72 của Vietnam Airlines chạy vun vút lấy đà rồi lao vào khoảng không xanh biếc, để lại dưới cánh một vùng biển, một vùng cát trắng, một hòn đảo với biết bao kỷ niệm dấu yêu, tuy chúng tôi chỉ lưu lại có một ngày.
Phú Quốc ơi, nhất định tôi sẽ quay trở lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét